Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa còn gọi là tắc tuyến sữa hay tắc ống dẫn sữa, là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực mà không được đẩy ra ngoài, khiến việc cho con bú gặp nhiều khó khăn cũng như gây đau đớn cho người mẹ. Tình trạng này thường xảy ra ở sản phụ sau sinh khoảng 6-8 tuần hoặc bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ được sản xuất từ các nang sữa, theo các ống dẫn sữa đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác động kích thích từ hoạt động bú mút của trẻ mà sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, khi lòng ống dẫn sữa bị bít hẹp lại, sữa sẽ không thể chảy ra ngoài, lâu dần vón cục do hiện tượng sữa đông kết. Song song đó sữa mới vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho chỗ tắc ở các ống dẫn trước ngày càng căng giãn ra khiến tình trạng tắc sữa ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tắc tuyến sữa sau sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa sau sinh, thường gặp nhất là:
1. Vừa mới sinh con
Một số mẹ gặp phải tình trạng tắc tia sữa sau sinh khi sữa được sản xuất rất nhiều trong bầu ngực nhưng chưa thể chảy ra ngoài do bé chưa ngậm đúng khớp ngậm sữa không thoát ra ngoài, bị ứ đọng khiến bầu ngực căng cứng và tắc tia sữa.
2. Dư thừa sữa mẹ
Nhiều trường hợp tắc ống dẫn sữa do sữa mẹ còn dư thừa trong bầu ngực do bé bú không hết hoặc mẹ không hút hết phần sữa còn lại sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa ứ đọng lại gây tắc nghẽn.
3. Ngực chịu áp lực
Chẳng hạn như mặc áo ngực quá chật, bó sát hoặc mang địu bé trước ngực khiến tia sữa bị tắc. Ngoài ra, tư thế nằm sấp khi ngủ cũng có thể gây ra tình trạng này.
4. Mẹ không cho bé bú thường xuyên
Nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút hết sữa ra ngoài trong khoảng 5-24 giờ sẽ gây ra tình trạng tắc tuyến sữa.
5. Bé ngậm vú mẹ sai cách
Khi không ngậm bắt vú mẹ đúng bé sẽ không bú đủ lượng sữa mẹ được sản xuất ra, khiến sữa mẹ vẫn còn ứ đọng trong bầu ngực chính là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
6. Mẹ ít hút sữa ra ngoài
Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết lượng sữa còn ứ đọng trong bầu ngực có thể gây ra tình trạng tắc ống dẫn sữa. Một số trường hợp lực hút của máy hút sữa quá yếu, không thể hút hết sữa ra ngoài cũng dẫn đến tình trạng này.
7. Căng thẳng và stress
Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất sữa mẹ, nếu mẹ quá căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh oxytocin – một loại hormone có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa. Tình trạng này thường gặp ở những chị em lần đầu làm mẹ khi chưa thích nghi với cuộc sống có thêm thành viên mới.
Cho con bú thì có bị tắc ống dẫn sữa không?
Nhiều mẹ lầm tưởng rằng chỉ những trường hợp không cho con bú sữa mẹ mới gặp tình trạng tắc tuyến sữa. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến việc mẹ không cho con bú thường xuyên hoặc mẹ cho con bú không đúng cách, bé ngậm bắt vú sai hoặc mẹ không hút hết sữa còn sót lại ra ngoài dẫn đến sữa còn ứ đọng trong bầu ngực gây tắc nghẽn.
Biểu hiện khi bị tắc tia sữa sau sinh
Tình trạng tia sữa bị tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù mẹ mới bắt đầu cho con bú hoặc đã cho con bú được một thời gian. Vì thế, mẹ cần lưu ý những dấu hiệu dưới đây để nhận biết sớm tình trạng tắc tia sữa và can thiệp điều trị kịp thời, bao gồm:
- Không tiết sữa hoặc tiết sữa rất ít, kể cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
- Ngực càng lúc càng căng cứng và to hơn, đi kèm với cảm giác đau nhức.
- Sờ vào đầu vú cảm giác có một hoặc nhiều cục cứng.
- Một số trường hợp gây sốt.
Tắc tia sữa có nguy hiểm không?
Mặc dù tắc tia sữa không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ, tăng nguy cơ gặp các biến chứng như mất sữa hoàn toàn, viêm tuyến vú, áp xe vú lâu dần phát triển thành các dải xơ hóa ở vú.
- Mất sữa: khi mẹ có sữa nhưng không thể tiết ra cho bé bú mặc dù đã vắt hoặc sử dụng máy hút sữa. Khi không có sữa mẹ trẻ buộc phải uống sữa ngoài, dẫn đến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng và các kháng thể tự nhiên so với những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ chậm lớn, dễ mắc bệnh vặt hơn…
- Viêm tuyến vú: ngực sưng to hơn và cảm thấy đau nhức, khi chạm tay vào sờ thấy nhiều cục cứng, sưng đỏ và đau, dù có cố gắng nặn cũng không thấy chảy sữa ra ngoài.
- Áp xe vú là tình trạng vú sưng đỏ đau, tụ mủ bên trong vú do vi khuẩn gây ra, thường xảy ra ở mẹ bị tắc tia sữa kéo dài nhưng không được điều trị hiệu quả.
Khi mẹ bị tắc tuyến sữa lâu ngày nhưng không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú, và viêm tuyến vú nếu không được điều trị sẽ dẫn đến áp xe tuyến vú. Biến chứng áp xe vú có thể gây hoại tử mô vú, nhiễm trùng nặng.
Tắc tia sữa phải làm sao?
Mục tiêu trong điều trị tắc tia sữa chính là làm tan các cục sữa bị ứ đọng, vón cục để khơi thông tia sữa. Mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản dưới đây để thông tia sữa tại nhà, gồm:
- Trước khi cho bé bú, mẹ nên dùng khăn ấm để chườm ấm bầu ngực. Đồng thời, massage nhẹ nhàng bầu ngực từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong để lưu thông sữa tốt hơn.
- Nên xoa bóp đầu ti nhẹ nhàng theo vòng tròn nhằm kích thích và khơi thông tia sữa.
- Cho bé bú ở bên ngực bị tắc trước, sau đó mới chuyển sang bên ngực còn lại.
- Sau khi bé bú xong, mẹ nên hút hết sữa còn lại ra ngoài bằng tay hoặc máy hút sữa chuyên dụng để đảm bảo sữa không còn dư trong bầu ngực gây ứ đọng.
- Mẹ nên mặc áo ngực thoải mái hoặc hạn chế mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng hơn, là cách giúp sữa được lưu thông dễ dàng hơn.
“Tuy nhiên, đối với những trường hợp tắc tia sữa lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú hoặc áp xe vú, mẹ cần thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp”.
Cách phòng ngừa tắc ống dẫn sữa sau sinh
Tắc tia sữa sau sinh có thể khiến mẹ đau đớn và mệt mỏi, tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh cũng như không đảm bảo lượng sữa cung cấp dưỡng chất thiết yếu và kháng thể tự nhiên cho con. Vì thế, mẹ cần phòng ngừa tình trạng này bằng cách:
- Tập thói quen hút sữa thường xuyên: Ngoài việc cho con bú đúng cữ và bú thường xuyên, mẹ cần hút sữa đều đặn mỗi lần sau khi bé bú no để đảm bảo sữa không bị ứ đọng, sữa mới luôn được sản xuất.
- Thực hiện lối sống khoa học: Mẹ cần xây dựng lối sống khoa học bằng việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng hoặc mệt mỏi kéo dài ảnh hưởng đến việc tiết sữa.
- Uống đủ nước: Mẹ nên uống đủ lượng nước khuyến cáo mỗi ngày để giúp sữa được sản xuất nhiều hơn, nhờ đó khơi thông tuyến sữa tốt hơn.
- Hạn chế những tác động lên bầu ngực: Mẹ không nên mặc áo ngực quá ngực, không nằm sấp khi ngủ và cần hạn chế những tác động mạnh lên bầu ngực.
- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng: Mẹ có thể tham khảo các bộ môn nhẹ nhàng với phụ nữ sau sinh như yoga, kegel, đi bộ… ngoài việc hỗ trợ hoạt động sản xuất sữa mẹ, cải thiện sắc vóc còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Ngay khi phát hiện những biểu hiện tắc tia sữa kể trên, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, can thiệp sớm và hiệu quả, tránh những trường hợp phát triển thành viêm tuyến vú hoặc áp xe vú ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
‐—————————————-
HƯNG BABY – MẸ KHOẺ CON NGOAN
Hotline: 0932244566 (zalo/viber/messenger)
Address: 18/75 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội
Website : https://hungmedela.com/
Shopee: https://shope.ee/Vj6JcG2pW